Tuyển dụng lao động trực tuyến, chiêu trò tinh vi nhằm chiếm đoạt tiền

Địa chỉ: 56A Đường TCH24, Khu phố 3, Phường Tân Chánh Hiệp, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Email: daianninh24@gmail.com

Tuyển dụng lao động trực tuyến, chiêu trò tinh vi nhằm chiếm đoạt tiền
Ngày đăng: 1 tháng

Thứ Sáu, 23/08/2024 13:35

 | 

(CATP) Lợi dụng nhu cầu tìm việc làm của người lao động (NLĐ), các đối tượng lừa đảo đã tung ra chiêu trò tuyển dụng trên mạng xã hội (MXH), đưa ra những cách kiếm tiền dễ dàng như bán hàng đa cấp, làm việc tại nhà... Nhiều người vì tin vào những lời quảng cáo để rồi bị chiếm đoạt tài sản.

Làm nhiệm vụ online 2 phút kiếm tiền triệu

ADVERTISEMENT

Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, muốn kiếm thêm thu nhập, chị L.T.N (ngụ huyện Hóc Môn) đã lên mạng tìm kiếm việc làm thêm. Khi thấy một dòng quảng cáo ngắn gọn được đăng tải về việc may quần áo tại nhà với mức lương 400.000 đồng/ngày, chị N. lập tức liên lạc với "nhà tuyển dụng" thì họ yêu cầu phải đóng khoản phí 1,5 triệu đồng để nhân viên tới tận nhà hướng dẫn. Tưởng thật, chị N. liền chuyển tiền mà không mảy may nghi ngờ. Tuy nhiên, chờ đợi suốt nhiều ngày nhưng không thấy ai liên lạc, hướng dẫn như đã hẹn, sinh nghi nên chị N. liên lạc lại số điện thoại đã liên hệ với mình trước đó thì phát hiện số máy di động của "đối tác" đã khóa.

Tương tự là trường hợp của chị Cao Thị P (SN 1965, ngụ Quận 12). Trong lúc lướt Facebook, vô tình chị P. nhìn thấy thông tin tìm người làm đồ gia công tại nhà trên MXH nên liên hệ để xin việc. Qua trao đổi, người tuyển dụng giới thiệu rằng công việc rất nhẹ nhàng, chỉ cần nhận sản phẩm, dán tem nhãn mỹ phẩm tại nhà, với mức giá 100 đồng/sản phẩm, mỗi ngày có thể kiếm được khoảng 200.000 - 400.000 đồng. Tin tưởng, chị P. chuyển tiền cọc 800.000 đồng để nhận sản phẩm làm gia công. Thế nhưng, khi chị chuyển tiền xong, các đối tượng liền chặn hết số liên lạc.

ADVERTISEMENT

Thông tin tuyển dụng lừa đảo

Cơ quan chức năng và truyền thông từng cảnh báo chiêu trò lừa đảo "Nhận làm nhiệm vụ online 2 phút kiếm tiền triệu", nhưng vẫn còn người sập bẫy. Điển hình là trường hợp của chị Lê Ngọc Th (ngụ TPHCM) bị lừa mất gần 140 triệu đồng khi tham gia nhiệm vụ online tìm việc trên kênh, bấm like video ngẫu nhiên. Chị Th. cho biết, đang làm công nhân may thì xưởng hết hàng nên chị phải nghỉ tạm thời. Trong một lần vào MXH, chị được mời tham gia "Hội nhóm Tìm việc làm online" và đã đồng ý với mong muốn có tiền để giúp gia đình trang trải cuộc sống.

Qua trò chuyện, nhóm này hứa hẹn chị chỉ cần làm 2 nhiệm vụ là được nhận quà và hoa hồng. Thấy công việc cũng dễ dàng nên chị Th. liền nạp 1 triệu đồng. Lần đầu, chúng hoàn tiền rất nhanh, nhưng từ lần thứ hai trở đi thì chị phải hoàn thành xong nhiệm vụ, tăng số tiền thì mới được lên đơn nhận quà. Tiếp đến, Th. được đưa vào một nhóm lớn với sự tham gia của nhiều người. Tại đây, các đối tượng bắt đầu yêu cầu chị Th. phải bỏ vốn cho từng nhiệm vụ với từng cấp độ vốn khác nhau.

Chị Th. cho biết, khi thực hiện nhiệm vụ đầu chỉ trong vòng 2 - 3 phút, chị đã kiếm được cả triệu đồng. Cứ thế, họ thao túng tâm lý khiến chị vướng vào vòng luẩn quẩn nạp tiền. Đến khi kẹt vốn muốn gỡ lại thì chúng ép chị phải bỏ thêm nhiều tiền. Đến khi hết tiền để nạp, chị Th. mới nhận ra mình đã mất gần 140 triệu đồng. Chưa hết, vài ngày sau, khi chị lên Facebook than vãn vì vướng vào nợ nần thì có người nhắn tin, xưng là luật sư hứa hẹn sẽ giúp chị lấy lại số tiền đã mất. Tưởng thật, chị làm theo hướng dẫn và bị mất thêm 16 triệu đồng nữa.

Các biện pháp phòng tránh lừa đảo trực tuyến

Trên thực tế, tình trạng lừa đảo trực tuyến nhằm vào người đi tìm việc làm là thực trạng nhức nhối trong đời sống xã hội diễn ra từ nhiều năm nay. Thủ đoạn của tội phạm lừa đảo ngày càng tinh vi hơn với các thông tin đều mập mờ, không đồng nhất hoặc sao chép các thương hiệu nổi tiếng để rao tin tuyển dụng (khiến nạn nhân tin rằng đây là những thông tin tuyển dụng chính thống). Ngoài ra, các thông tin thường có nội dung hấp dẫn như "việc nhẹ, lương cao", "mức hoa hồng rất cao"..., nhưng bao giờ NLĐ cũng luôn bị ép phải đóng một khoản phí gì đó. Người tìm việc làm sẽ được yêu cầu thanh toán các khoản phí, khoản đặt cọc thông qua việc chuyển tiền vào một tài khoản cá nhân hoặc nhiều tài khoản cá nhân khác nhau thay vì tài khoản của tổ chức. Các thông tin tuyển dụng được đăng tải nhiều lần, đăng tải tại nhiều nơi hoặc đăng lại tin tuyển dụng đã cũ.

Người lao động cần cảnh giác khi tìm việc làm trên mạng xã hội

Theo đánh giá của cơ quan Công an, chiêu trò mạo danh các thương hiệu lớn để tuyển dụng, lừa đảo NLĐ ngày càng nhiều và có diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội tinh vi, có xu hướng đan xen, kết hợp giữa nhiều hình thức lừa đảo khác nhau. Thủ đoạn của các đối tượng thường là lập các website, trang MXH giả mạo doanh nghiệp, sau đó sử dụng website, trang MXH giả mạo này để đăng tải thông tin giả về việc tuyển dụng nhân sự nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tiền đăng ký tuyển dụng nhân sự của các cá nhân có nhu cầu tìm kiếm việc làm. Ngoài ra, kẻ mạo danh còn yêu cầu ứng viên tham gia vào nhiều hội, nhóm chat trên nền tảng Telegram để thực hiện phỏng vấn. Tiếp đó, kẻ xấu yêu cầu ứng viên tải thêm nhiều ứng dụng khác, tạo tài khoản trên các trang web xổ số, các trang thương mại điện tử... để thực hiện chuyển tiền trực tuyến vào tài khoản của các tổ chức, cá nhân mạo danh.

Các đối tượng lừa đảo cũng đưa ra những "mồi nhử" hấp dẫn như: việc nhẹ, lương cao, lương được trả ngay theo ngày, với mỗi một đơn hàng sẽ được hưởng chênh lệch 10 đến 20%. Khi thanh toán các đơn hàng ban đầu có giá trị nhỏ, nạn nhân sẽ được hưởng hoa hồng. Tuy nhiên, đến các đơn hàng có giá trị cao, các đối tượng sẽ chiếm đoạt số tiền này. Đa phần nạn nhân của chiêu trò lừa đảo này là những phụ nữ đang nuôi con nhỏ hiện ở nhà chưa có việc làm, sinh viên hoặc người có nhu cầu kiếm thêm thu nhập.

Trước thực trạng trên, cơ quan Công an khuyến cáo, để tìm việc làm, người lao động cần kết nối với các trung tâm dịch vụ có uy tín, thông tin đăng tải rõ ràng, chính thống. Nếu người dân bị lừa gạt, cần nhanh chóng thông báo đến cơ quan Công an để xử lý, hoặc báo cáo qua đường dây nóng Phòng an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao để được hướng dẫn kịp thời. Ngoài ra, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp cần truyền thông đến NLĐ, người dân có nhu cầu việc làm về các thủ đoạn, hình thức lừa đảo... để mọi người cùng biết và phòng tránh hiệu quả.

HIẾU ĐỨC

0
Zalo
Hotline